Xin Chào,
Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog “Money with Mina”.
Tôi là Mina Chung – Đại sứ của nền tảng cộng đồng phụ nữ chuyên về tài chính và sự nghiệp.
Trong bài “Hành Trình đến với An Tâm Tài Chính”, mình có nhắc đến khoảng thời gian lúc mới ra trường nhận đồng lương đầu đời. Khi đó, mình đặt mục tiêu cho bản thân với cột mốc đầu tiên rằng 10 năm sau, tài chính của mình cần vững chắc.
Tuy mục tiêu có vẻ đơn giản, mình không thực sự biết “vững chắc” có nghĩa là gì, và bản thân phải làm gì để đạt được nó.
Trải nghiệm của bản thân
Nếu đào sâu về mong muốn cuối cùng, mình chỉ biết 10 năm tới, mình muốn được là phiên bản tốt hơn hiện tại. Trong quá khứ, hoàn cảnh gia đình mình rất khó khăn. Cha mẹ muốn con gái tốt nghiệp đại học, tìm công việc tốt, lương cao, biết tự chủ, và lo lắng cho cha mẹ lúc về già.
Mình đã luôn lấy đó là mục tiêu tài chính cho bản thân. Vì thế khi đồng lương khởi điểm còn ít ỏi, mình từng rất ngưỡng mộ những người đi trước. Thi thoảng, mình tự hỏi liệu mình có đủ giỏi để sở hữu thu nhập như họ sau này hay không.
Nhờ vậy, mình hoàn toàn thấu hiểu khi trò chuyện với các bạn học viên của lớp quản lý tài chính cá nhân. Nếu được hỏi “mục tiêu của bạn là gì?”, hầu hết họ có câu trả lời thiếu định hướng – giống với mình ngày xưa.
Trong suốt 10 năm loay hoay với mục tiêu chưa rõ ràng ấy, mình đã kết hôn, định cư ở một đất nước mới, rời môi trường công sở để tự kinh doanh rồi thất bại, quay trở về vị trí cũ ở ngân hàng,… Tất cả bước chuyển này đều không nằm trong kế hoạch ban đầu của mình.
Nhưng có lẽ, cuộc sống chính là như thế. Dù bạn có đặt bao nhiêu đích đến cho bản thân, đến cuối cùng nó vẫn có thể đưa đẩy, định hướng bạn đi qua từng ngã rẽ bất ngờ.
Chúng có thể giúp bạn tiến gần hơn với mục tiêu hoặc không. Do đó, không phải ai cũng có thể can đảm tin vào lựa chọn riêng.
Nhìn lại khoảng thời gian 10 năm, mình biết mình đã thực sự cải thiện, học được nhiều điều và trưởng thành hơn. Dù không ít lần mình phải “đập đi xây lại”, rất may, tài chính giờ đây cũng tốt hơn, bởi mình đã bắt đầu tập đầu tư và xây dựng tài sản cá nhân.
Không ai có thể biết được mình của 10-20 năm tiếp theo sẽ trở thành người như thế nào, và mục đích lớn của cuộc sống mình sẽ là gì. Điều ta có thể làm là hình dung.
Ví dụ, bạn hãy hình dung bản thân trong những năm sắp đến. Bạn muốn sở hữu căn nhà đầu tiên vào lúc nào? Bạn có muốn được thăng chức nhanh chóng, tổ chức những chuyến du lịch cùng gia đình, tăng cường sức khỏe và thậm chí là đủ điều kiện để nghỉ hưu sớm?
Khi tự mình vẽ ra viễn cảnh mong muốn, bạn sẽ phần nào mường tượng mục tiêu cần hoạch định cho cột mốc 10 năm.
Điều mình muốn lan tỏa
Hơn 20 năm trải nghiệm “thử và sai” trên con đường tài chính đã dạy mình nhiều bài học đáng trân trọng. Nếu như mình biết đến chúng từ sớm, có lẽ mình đã không tốn nhiều năm loay hoay, thiếu sự an tâm về tiền bạc như vậy.
Mỗi người một thử thách riêng và dĩ nhiên, mình không thể thay bạn đi trên con đường của chính bạn. Tuy nhiên, mình muốn giúp bạn hình dung lộ trình, từ đó, bạn có thể tự nhìn thấy đích đến và bước đi.
Về cơ bản, hành trình quản lý tài chính cá nhân theo mình bao gồm 3 cột mốc quan trọng:
Mỗi người sẽ có rất nhiều mục tiêu tài chính khác nhau. Dù mục tiêu là gì, bạn cũng đừng quên chữ “Nghỉ Hưu” ở đây nhé! Đây là sự kiện mà tất cả chúng ta phải đối mặt dù bạn muốn hay không. Nghỉ hưu + An Tâm Tài Chính chỉ đến với những ai chuẩn bị từ sớm. Quá trình chuẩn bị này liên quan đến việc bạn cần đạt số tiền như thế nào, ở thời điểm bao nhiêu tuổi, và làm sao đạt được nó.
Khi đã đạt được con số mục tiêu rồi, bạn cần tiếp tục quản lý số tiền quỹ để mình không sống thọ hơn tiền của mình. Do not outlive your fund! Lý do là bạn chắc chắn không biết mình sẽ sống đến 85 tuổi hay 100 tuổi.
Hành trình nào cũng thế, có đích đến thì phải có điểm khởi đầu. Biết tài sản mình ở đâu, hoàn cảnh tài chính hiện tại, và bạn còn bao nhiêu thời gian để đến mục tiêu là điều quan trọng nhất.
Một ví dụ để bạn dễ nắm bắt:
1 – Quy tắc x25 (10 triệu / tháng sinh hoạt, một năm bạn cần 120 triệu. Quy tắc này cho bạn biết bạn cần 120 x 25 = 3 tỷ là số tiền bạn cần đạt quỹ hưu)
2 – Quy tắc 4% (nếu bạn tiếp tục đầu tư quỹ hưu 3 tỷ này, mỗi năm bạn có thể rút 4% ra chi tiêu = 3 tỷ x 4% = 120 triệu thì quỹ của bạn không bao giờ cạn kiệt)
3 – Tính tài chính hiện nay – Networth (tất cả tài sản sở hữu – tất cả nợ = tổng tài sản hiện có). Con số âm hay dương cho bạn biết tình hình tài chính hiện nay của mình. Âm có nghĩa bạn vẫn còn nợ.
—> Từ điểm khởi đầu (2), đến Mục tiêu đích đến (1), đó là tất cả những gì Mina muốn chia sẻ với bạn qua từng bước trong chuỗi workshop Vòng Xoay Dòng Tiền (VXDT). Vòng xoay ấy là hầu hết những gì chúng ta đều phải đi qua trong quản lý tài chính. Vì vậy, Mina tin rằng nó sẽ giúp bạn có thể từng bước tiến gần hơn đến vạch đích của mình.
Vòng xoay dòng tiền
Vòng Xoay Dòng Tiền (VXDT) của mỗi người rất khác nhau, tùy điểm khởi đầu, thời gian bạn đặt ra và độ tuổi. Vì thế, Blog MoneywithMina sẽ cố gắng chia sẻ với bạn sự khác nhau của VXDT trên đường băng thời gian của cá nhân, gồm 5 bước:
Việc quản lý tài chính cũng sẽ có những điểm giống và khác biệt trước các chủ thể là cá nhân, gia đình hay sự nghiệp. Nếu bạn có góp ý thêm về kinh nghiệm riêng của mình cho cộng đồng và muốn trang cải thiện tốt hơn, đừng ngại gửi về hòm thư minachung.official@gmail.com.
Có rất nhiều quy tắc, công cụ và lựa chọn tài chính cho mọi người nên không hẳn tất cả những gì Mina áp dụng đều phù hợp cho bạn. Mục đích chung mình muốn hướng đến là hỗ trợ bạn tìm ra hành trình tài chính riêng. Mong các bạn enjoy Blog MoneyWithMina nhé!
Hẹn gặp lại các bạn sớm!