Tôi thường xuyên khuyến khích các bạn tham gia đầu tư từ sớm, chúng ta sẽ có lợi thế về thời gian kết hợp với yếu tố lãi kép để “lãi mẹ đẻ lãi con”. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp chúng ta không nên bắt đầu đầu tư ngay mà thay vào đó cần có sự ưu tiên. Có 4 trường hợp quan trọng bạn cần phải lưu ý để có thể tham gia đầu tư với tâm thế an tâm và vững chãi.
Table of Contents
Chưa có quỹ dự phòng
Quỹ dự phòng cho những trường hợp bất trắc (emergency fund) là thông điệp tôi hay nhắc lại trong các bài viết của mình. Hẳn các bạn đều biết tầm quan trọng của quỹ dự phòng. Sau những làn sóng dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế, quỹ dự phòng đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu để đảm bảo cuộc sống. Chúng ta không phải vay nợ, sống túng thiếu khi bất ngờ lâm vào tình cảnh khó khăn như nằm viện, mất xe, mất việc hay những tình huống khó lường khác.
Tôi vẫn thường lựa chọn công thức chung cho quỹ dự phòng = tổng tiền lương từ 6 đến 9 tháng.
Con số này bạn có thể điều chỉnh, nếu như bạn không an tâm với mốc 6 tháng lương dự phòng thì bạn có thể tích lũy 12 tháng lương. Để tối ưu khoản quỹ này thì bạn nên dùng quy tắc tiết kiệm bậc thang, tôi có chia sẻ trong các bài viết và series Money Diary trên Trang.
Về khía cạnh đầu tư, quỹ dự phòng còn đóng vai trò bảo vệ tiền của bạn.
Tôi giả sử bạn dùng toàn bộ tiền của mình đi đầu tư mà chưa có quỹ dự phòng, khi có vấn đề bất trắc xảy ra, bạn buộc phải bán một phần danh mục đầu tư để chi trả, nhiều lúc phải chốt lỗ. Nếu không muốn bán danh mục đầu tư thì bạn cũng phải vay nợ để vượt qua những tình huống bất khả kháng đó. Điều này khiến cho giá trị đầu tư của bạn có thể bị giảm và tâm trí không cảm thấy an toàn.
Đang có nợ tín dụng (nợ xấu)
Với tôi, tất cả những khoản nợ nào phát sinh mà không được lên kế hoạch và đo lường khả năng chi trả đều là nợ xấu.
Nếu bạn đang có nợ xấu, hãy trả dứt điểm trước khi đầu tư.
Bạn có thể cho rằng bạn dùng tiền trả nợ đi đầu tư thì khoản sinh lời có thể giúp bạn chi trả được phần nợ, nhưng điều này rất khó để làm được thậm chí còn khiến bạn âm vốn đầu tư.
Tôi lấy ví dụ một trường hợp: bạn đang vay ngân hàng với lãi suất 14%/năm. Nếu dùng tiền đi đầu tư, bạn phải đảm bảo khoản đầu tư sinh lời cao hơn 14%/năm, nếu không thì bạn mất công sức đầu tư nhưng vẫn không có lời.
Không những vậy, trả dứt nợ còn là liều thuốc tinh thần để bạn nhanh chóng thoát khỏi tâm lý nặng nề, tù túng khi nghĩ đến khoản nợ mình đang mang. Việc giải tỏa khỏi những áp lực trả nợ hằng ngày sẽ giúp bạn tập trung tìm hiểu các kênh đầu tư, tích lũy dài hạn phù hợp với mình.
Chi tiêu bằng hoặc cao hơn thu nhập
Với những trường hợp mà nguồn thu nhập còn hạn chế, các danh mục chi tiêu đang chiếm toàn bộ tổng thu nhập, có khi nhiều hơn khoản thu nhập kiếm được (phải vay nợ để chi tiêu) thì bạn không nên đầu tư.
Lúc này, bạn cần tập trung làm thế nào để tăng thu nhập và cắt giảm chi tiêu.
Bạn sẽ cần xem lại các nguồn thu nhập của mình và tìm cách tăng dòng vốn vào như: đàm phán tăng lương, tìm công việc lương tốt hơn, làm thêm công việc bán thời gian…
Việc tăng dòng vào cũng đi kèm với sự phát triển về kỹ năng, chuyên môn trong công việc. Với sự trợ giúp của Internet, bạn có thể tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, chi phí tham gia các khóa học online cũng thấp hơn so với việc học trực tiếp và được lợi thế linh hoạt quỹ thời gian. Hãy luôn dành thời gian học mỗi ngày để bạn sẵn sàng khi có cơ hội.
Khi thu nhập của bạn đã tăng cao hơn chi tiêu, bạn có thể trích 10-20% để tích lũy thì việc đầu tư lúc này sẽ được thực hiện bền vững hơn.
Chưa tìm hiểu về lĩnh vực mình muốn đầu tư
Chỉ đầu tư vào những gì bạn thật sự hiểu rõ và đặt mục tiêu đầu tư.
Không chỉ mình tôi có quan điểm này mà rất nhiều những nhà đầu tư thành công khác đều cho rằng đầu tư vào những gì mình hiểu rõ là kênh đầu tư an toàn nhất.
Đừng để việc đầu tư trở thành trò chơi may rủi khi bạn nhìn vào những con số và hy vọng chúng tăng lên, đó là thị trường giải trí tài chính.
Không khó để bạn tìm thấy, đọc hay nghe được những tin tức về tài chính, bất động sản, chứng khoán, tiền ảo… Các bài viết phân tích nhan nhản trên khắp các trang báo, mạng xã hội, phân tích cổ phiếu này, dự án kia, mặc dù nhìn giống như một bài phân tích nhưng thực tế lại đánh vào cảm xúc của bạn, để bạn cảm thấy hào hứng, thích thú và quyết định “xuống tiền”. Đó là đầu tư theo cảm tính. Chúng ta không đầu tư vì vui, nên bạn cần có sự thận trọng.
Bạn sẽ phải tìm hiểu, đánh giá, dành nhiều thời gian để theo dõi, tìm những người trong lĩnh vực đó để trao đổi… cho đến khi bạn cảm thấy đủ thông tin, tin tưởng vào những lập luận, cơ sở thực tế của lĩnh vực mình sắp đầu tư vào. Nếu bạn cảm thấy cần có chuyên gia tài chính để tư vấn thêm thì cũng đừng ngại, và hãy học thêm các kiến thức cơ bản để có thể tự mình đưa ra những đánh giá.
Đó là 4 trường hợp mà tôi khuyên bạn không nên bắt đầu đầu tư.
Và hãy nhớ thêm nguyên tắc “đầy thì đẩy”, khi đã trả xong nợ bạn sẽ tiết kiệm cho quỹ dự phòng, khi quỹ dự phòng đã đầy thì bạn mới bắt đầu chọn kênh tích luỹ tối ưu cho tiền của mình.
Bằng cách này bạn sẽ bước đi vững chãi hơn trên con đường này mà không bị nản chí, căng thẳng hay bỏ cuộc giữa chừng.
Chúc các bạn thành công!
– Money With Mina team