Phụ nữ có thêm nhiều khoản chi tiêu khác nhau khi bước vào hôn nhân. Nếu câu chuyện thời độc thân chỉ là vun vén cho riêng mình, thì tài chính sau hôn nhân còn đòi hỏi sự thống nhất, minh bạch giữa hai người vì mục tiêu chung.

Sự thống nhất rõ ràng là một chỉ báo quan trọng cho nền tàng tài chính vững chắc của gia đình mới. Lifestyle chia sẻ góc nhìn từ chuyên gia Mina Chung về tiết kiệm và chi tiêu trước và sau cột mốc quan trọng này.


Trước hôn nhân

Trong quá trình học đại học, nếu có nợ xấu thì bạn nên tiết kiệm để giải quyết nợ (dù là nợ của gia đình).

Sau khi ra trường và có việc làm, bạn có thể xây dựng quỹ dự phòng với 3-6 tháng lương trước rồi tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính của bạn.

Bạn nên tiết kiệm ít nhất 10% 1 tháng, tốt hơn nữa là 20%. Nếu bạn chỉ tiết kiệm tối thiểu 5% mỗi tháng, bạn có thể đã sống quá khả năng tài chính của mình.

Bạn nên phân định các khoản tiết kiệm theo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Việc tiết kiệm đều phục vụ cho một mục tiêu tài chính nào đó, vì thế việc bạn cần phải xác định mục tiêu này để từ đó bắt đầu tiết kiệm.

Tiết kiệm đang trong lúc yêu đương, hẹn hò để có thể trải nghiệm du lịch ở đâu đó. Tiết kiệm cho kết hôn nếu tình yêu đã bước sang giai đoạn vững chắc và chắc chắn tiến đến hôn nhân. Đây có thể là mục tiêu ngắn và trung hạn.

Lời khuyên tôi dành cho các bạn trẻ là bạn nên bắt đầu việc tiết kiệm càng sớm càng tốt. Bạn sẽ có lợi thế hơn nhiều so với những người chưa bắt đầu từ lúc trẻ, hoặc chưa tiết kiệm bao giờ.

Khi bạn đã bắt đầu tiết kiệm và có sự kỷ luật đáng kể, bạn sẽ hình thành thói quen. Và từ thói quen này, sẽ giúp cho bạn cảm thấy việc quản lý tài chính và tích lũy đầu tư sẽ nhẹ nhàng, giúp cho bạn tiếp tục thực hiện nó mà không thấy nhọc nhằn hay sợ hãi khi nghĩ đến tài chính.


Sau hôn nhân

Thay vì xây dựng quỹ dự phòng từ 3-6 tháng lương như lúc độc thân thì ở giai đoạn này, bạn có thể tăng lên 12 tháng cho vợ chồng/gia đình nhỏ. Các khoản tiết kiệm giờ đây sẽ dành cho quỹ thai sản, quỹ giáo dục cho con và bảo hiểm cả gia đình.

Mục tiêu tài chính dài hạn lúc này sẽ là: quỹ mua nhà, quỹ cho con cái và quỹ cho vợ chồng nghỉ hưu.

Nhiều cặp vợ chồng có thể dành dụm tích góp để mua một căn nhà cho tổ ấm của mình.

Mua nhà là một giao dịch lớn, vợ chồng còn phải xác định cam kết với nhau lâu dài khi quyết định điều này.

Hoặc vợ chồng có thể tiết kiệm và đầu tư thêm căn hộ nhỏ cho con mình, để giảm áp lực tài chính cho con khi ra trường. Tuy nhiên, phải dựa vào khả năng chi trả tài chính chứ không nên vay nợ quá khả năng để làm việc này.

Về câu hỏi nên ưu tiên quỹ hưu trí cho mình hay quỹ cho con cái, mình sẽ hỏi ngược lại trong trường hợp bạn không có quỹ hưu trí thì lúc bạn đến tuổi hưu trí ai sẽ là người lo cho cuộc sống tài chính của bạn? Có phải là con bạn không? Từ đó bạn sẽ có được câu trả lời vậy thì ưu tiên quỹ nào sẽ quan trọng hơn đối với bạn.

Trong hôn nhân, việc quan trọng nhất là sự minh bạch, chia sẻ và giao tiếp trung thực giữa vợ chồng về hoàn cảnh tài chính của mỗi người.

Giữa tôi và chồng tôi đều có những buổi “financial date” để cùng thống nhất tỷ lệ tiết kiệm giữa hai vợ chồng và ai quản lý, thanh toán khoản tiền sinh hoạt nào mỗi tháng cho gia đình. Sự đóng góp giữa vợ và chồng nên hoàn toàn do cả hai quyết định dựa theo mức thu nhập và khả năng tài chính của mỗi người.

Tiết kiệm chỉ là một cách đầu tư thụ động và chi phí gia đình lúc này khá nhiều, các cặp vợ chồng cũng nên tập trung tìm thêm nguồn thu nhập, để việc tiết kiệm vẫn tiếp tục và không bị ảnh hưởng khi lạm phát chi tiêu.

– Nhật Vy
– Đồ họa: Yến Nhi