“Đường băng” của phụ nữ thường ngắn hơn so với đàn ông, vì theo luật, họ nghỉ hưu sớm hơn 5 năm. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đa số phái đẹp lại sống lâu hơn nửa còn lại của thế giới.

Ngoài ra, họ còn có một số thử thách khác bao gồm thu nhập thấp hơn ở vài ngành nghề, nghỉ phép nhiều hơn trong thời kỳ thai sản, chăm sóc con cái,…

Đó là lý do việc chuẩn bị nghỉ hưu của không ít người nữ gặp nhiều trắc trở và lo lắng hơn so với người đàn ông.

Thực ra, cảm xúc lo lắng không xấu, bởi nó giúp ta có động lực chuẩn bị kế hoạch tài chính cá nhân từ khi còn trẻ.

Việc phụ thuộc vào ai đó không bao giờ là một kế hoạch đúng đắn. Bất kỳ ai cũng cần tự kiểm soát ngân sách và thu chi của mình. Vậy, ở từng cột mốc 10 năm của cuộc đời, phụ nữ nên quản lý tài chính như thế nào?

25 tuổi với đồng lương đầu tiên

Phụ nữ tuổi đôi mươi sẽ có nhiều lợi thế về thời gian.

Đối với sinh viên mới ra trường, một trong những khó khăn phải đối diện là họ chưa biết cân đối giữa các nhu cầu tiết kiệm, đầu tư, quản lý chi phí thẻ tín dụng và trả nợ học tập.

Nếu bạn thấy mình trong trường hợp tương tự, sau đây là một số lời khuyên quản lý tiền cơ bản, gồm:

  • Cố gắng giải quyết tất cả nợ trước khi đặt mục tiêu tài chính khác.
  • Bước đầu lập quỹ dự phòng (khoảng 3-6 tháng lương).
  • Tập tích lũy tài sản thông qua tiết kiệm, đầu tư càng sớm càng tốt.

Với riêng phụ nữ, bên cạnh việc đàm phán mức lương hợp lý để có cơ hội tăng trưởng tốt hơn về sau, bạn còn có thể bắt đầu tìm hiểu các vấn đề bảo hiểm và bệnh có ở nữ giới.

Nếu bạn dự định kết hôn và có con, hay gia đình có bệnh di truyền, thì điều này rất cần thiết. Các gói bảo hiểm với điều khoản bổ trợ phù hợp sẽ là “tấm lưới” giúp bạn bảo vệ sức khỏe và dòng tiền của mình.

Bảo hiểm nhân thọ là lựa chọn khá thích hợp với người chưa có kiến thức sâu về đầu tư ở giai đoạn này, vì nó kết hợp yếu tố bảo vệ và đầu tư liên kết.

Tuy nhiên, vì đây là một kế hoạch lớn và phải thực hiện lâu dài mới hiệu quả, người suy nghĩ ngắn hạn chưa thích hợp tham gia.

35 tuổi với các chi tiêu lớn hơn

Cẩn thận với lạm phát lối sống khi bạn đã ở tầm trung sự nghiệp.

Giai đoạn tiếp theo thường đến sau khi bạn đã làm việc từ 8 năm trở lên, có sự trưởng thành nhất định và vững vàng hơn về mặt tài chính.

Tuy nhiên, hãy cẩn thận với lạm phát lối sống.

Đôi khi, thu nhập tăng thường đi kèm với nhu cầu tăng. Kết quả là dù kiếm được nhiều tiền, bạn tiêu cũng nhiều và không lấy cơ hội này để tăng tỷ lệ tiết kiệm hoặc đầu tư.

Việc có thêm 4-5 thẻ tín dụng và xài tiền phóng tay rất dễ xảy ra, đặc biệt với phụ nữ thích mua sắm.

Để đạt được các mục tiêu trong đời, bạn cần ý thức tự chủ tài chính và cố gắng xây dựng tài sản cho tương lai. Mua nhà là một ví dụ.

Một số người sẽ chuẩn bị tổ chức đám cưới. Ở nhiều nước phát triển, phụ nữ thường có xu hướng kết hôn tương đối trễ và không có ý định sinh con. Vài người khác có thể khởi nghiệp, vận hành kinh doanh riêng.

Với mọi định hướng, điều quan trọng là bạn cân chỉnh mục tiêu tài chính phù hợp.

Trước ngưỡng cửa 40 tuổi, bảo hiểm cũng cần được xem lại và cân nhắc tăng lợi ích với các bệnh phụ nữ thường gặp như ung thư cổ tử cung, ung thư vú.

Trong ngân sách của mình, bạn nên thiết lập quỹ riêng để tầm soát bệnh hàng năm, thường xuyên hơn so với 10 năm trước.

Nếu chưa vững kiến thức tài chính, đây là lúc bạn còn có thể chấn chỉnh để đầu tư một cách hiệu quả.

Hiện tại, nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã khuyến khích phụ nữ tham gia vào các ngành nghề mà nam giới từng chiếm đa số, ví dụ như công nghệ hay quỹ vốn mạo hiểm.

Do đó, nếu có khả năng và muốn đầu tư, việc đóng góp vào các nền tảng kinh doanh do phụ nữ sáng lập cũng là một cách tạo cơ hội, cải thiện thu nhập của nữ giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

45 tuổi và việc chuẩn bị nghỉ hưu

Giai đoạn cần tăng tốc chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu.

Thời điểm này, phụ nữ còn khoảng 10 năm để làm việc trước khi đến tuổi nghỉ hưu theo luật lao động.

3 điều bạn có thể xem xét là:

  • Quỹ hưu trí đã đủ để bạn sống mà không cần làm việc chưa? Quỹ này cần được chuẩn bị từ những ngày đầu bạn có thu nhập. Nếu chưa, bạn sẽ làm gì để đảm bảo cuộc sống?
  • Bạn có dự định chuyển nơi ở hay bán nhà để dọn đến căn nhà nhỏ hơn không? Sau khi con cái trưởng thành, nhiều đôi vợ chồng đã chọn hướng đi này thay vì giữ một tài sản quá lớn.
  • Số tiền từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ bạn sẽ nhận được là bao nhiêu? Nghĩ đến con số cụ thể giúp bạn biết mình nên tiếp tục đầu tư, tiết kiệm vào lúc này hay không.

Kể cả khi quyết định không lập gia đình hoặc không sinh con, chúng ta cũng có cha mẹ cần được chăm sóc.

Việc kiểm tra lại toàn bộ kế hoạch tài chính cùng quá trình thực hiện suốt 20 năm qua giúp bạn có điều chỉnh cuối, tăng tốc để đạt được mục tiêu, hoặc đôi lúc có cơ hội nghỉ hưu sớm để theo đuổi cuộc sống lý tưởng của mình.


Thiên Hân

Đồ họa: Anny Nhi