“Một phần lớn của tự do tài chính là làm sao để tâm trí không lo âu trước những tình huống ‘sẽ thế nào nếu…’ (what-ifs) trong cuộc sống.”
Đó là câu nói mà tôi rất thích của tác giả Suze Orman. Đối với tôi, vấn đề không phải là mình có bao nhiêu tiền. Chính sự chuẩn bị chu đáo trước biến cố bất ngờ mới quan trọng hơn cả.
Table of Contents
Về tiền bạc
Thu nhập đầu đời của tôi là 40.000 đồng. Khi đó, tôi 14 tuổi và dạy aerobic ở một trường mẫu giáo cùng các anh chị huấn luyện viên.
Năm 19 tuổi, tôi mở một cửa hàng hoa tươi và tập để ý ngân sách để không thâm hụt tiền. Dù vậy, hành trình tài chính của tôi chỉ thực sự bắt đầu sau khi tốt nghiệp đại học.
Tôi đã quản lý tiền như thế nào?
Sự nghiệp của tôi khởi đầu tại một ngân hàng ở Hong Kong với mức lương khoảng 25-30 triệu đồng/tháng.
Vì chọn ngành học tài chính, tôi phần nào hiểu được tầm quan trọng và hiệu quả của đầu tư tích lũy, từ đó đặt mục tiêu cải thiện cuộc sống gia đình từ sớm.
Trừ các chi phí sinh hoạt thiết yếu, lương tháng của tôi một phần gửi cha mẹ, một phần tiết kiệm để mua nhà. Tuy tiêu xài khá dè sẻn, khoản tiền dành dụm của tôi không nhiều bởi đời sống ở Hong Kong tương đối đắt đỏ.
Lúc đó, tôi sống hoàn toàn dựa vào lương tháng. Nếu hết tiền, tôi đành phải đợi kỳ lương tiếp theo.
Tôi ở hiện tại ra sao?
Không giống với lúc vừa ra trường, hiện tại, tôi luôn luôn dự toán cho 3-5 năm gần nhất, đồng thời có kế hoạch chi tiêu cụ thể trong từng tháng.
Tôi thuộc tuýp người không bao giờ “go with the flow” (trôi theo dòng chảy). Quan niệm của tôi là cuộc sống luôn tiềm ẩn những trường hợp bất khả kháng như Covid-19. Và “go with the flow” nghĩa là mình đã tự đứng vào vị trí không vững vàng.
Từng đầu tư nhiều, nhưng sau một thời gian dài làm việc và trải nghiệm, tôi vẫn chọn ưu tiên tiết kiệm. Lý do là tôi muốn tối ưu việc bảo toàn vốn cho thời gian hưu trí. Đối với người trẻ còn nhiều năm làm việc hơn, tôi ủng hộ đầu tư tăng trưởng.
Thay vì chỉ thắt lưng buộc bụng như trước, tôi đầu tư sinh lời ở các kênh tương đối ổn định như trái phiếu, quỹ đại chúng, bất động sản.
Ngoài ra, tôi tập trung phát triển bản thân và biết tự tưởng thưởng để tạo động lực thường xuyên. Phần thưởng có thể là một chiếc túi hàng hiệu hay một chuyến du lịch dài ngày.
Trong trường hợp bạn chưa biết bắt đầu tiết kiệm như thế nào, bảo hiểm nhân thọ là một cách tốt để bạn vừa giữ tiền lâu dài, vừa kết hợp bảo vệ sức khoẻ.
“Financial date” với bạn đời
Các bạn trẻ hay hỏi tôi là trong hôn nhân, ai nên chịu trách nhiệm giữ tiền. Câu trả lời của tôi thường là: “Tiền ai nấy giữ”.
Tất nhiên, vợ chồng tôi vẫn có quỹ chung để san sẻ các khoản chi trong nhà và chủ động trong mua sắm cá nhân.
Mỗi tháng, chúng tôi sẽ có cuộc hẹn đặc biệt để cùng ngồi xuống, chia sẻ và tính toán chi tiêu tháng tiếp theo. Bằng cách này, chúng tôi thẳng thắn trò chuyện với nhau và hạn chế mâu thuẫn đến từ tài chính.
Về công việc, cuộc sống
Nguyên tắc xử lý công việc của tôi là “first in – first out”, nghĩa là việc nào đến trước làm trước.
Tôi không bao giờ làm to-do list và cảm thấy danh sách này không phù hợp với mình. Nhiều đối tác từng bất ngờ khi tôi trả lời email của họ trong vòng 15 phút. Dù 15 phút sau, tôi có thể có một cuộc họp đang chờ.
Mỗi khi có trách nhiệm mới, cả quan trọng lẫn không quan trọng, tôi đều cố gắng hoàn thành ngay khi có thể. Bởi nếu trì hoãn và chờ phân loại ưu tiên, mọi thứ có thể bị tắc nghẽn.
Phương pháp này đã được tôi áp dụng trong nhiều năm và tỷ lệ lỡ việc cũng rất thấp.
Người bận rộn hay ước mình có nhiều hơn 24h mỗi ngày để làm cho xong việc, còn tôi chỉ muốn có thêm thời gian để ở cạnh gia đình, bạn bè. Hoặc, tôi sẽ tặng lại người khác nếu họ cần thêm một vài tiếng để ngủ.
Đồ họa: Hải My